Mới đây, UBND tỉnh An Giang vừa gửi văn bản đề xuất Chính phủ cho phép tạm giữ biển số hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ môtô vi phạm luật giao thông. Tuy có khá nhiều người dân bày tỏ ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến tỏ ra lo lắng trước đề xuất trên.
Tính đến tháng 9.2019, toàn tỉnh tạm giữ gần 8.200 phương tiện các loại. Trong đó, có hơn 5.000 phương tiện đủ điều kiện trả lại cho người vi phạm, số còn lại phải tịch thu và thực hiện xử lý bán đấu giá theo quy định.
Nguyên nhân dẫn đến việc xe bị tạm giữ tồn đọng nhiều là do một số lỗi vi phạm giao thông đường bộ có mức phạt tiền cao hơn giá trị phương tiện. Vì vậy, người vi phạm chấp nhận bỏ luôn xe.
Bên cạnh đó, thủ tục tịch thu phương tiện còn phải qua nhiều bước giải quyết, kéo dài thời gian nên các xe bị tạm giữ phát sinh hư hỏng, gây lãng phí tài sản của xã hội.
Trước những bất cập trên, UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành quy định cho phép các lực lượng chức năng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ phương tiện như hiện nay.
Ủng hộ với đề xuất của UBND tỉnh An Giang, bạn đọc Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Không nên tạm giữ xe vi phạm nhằm tránh trường hợp chủ xe vứt bỏ phương tiện sẽ phát sinh chi phí thuê kho bãi cho cơ quan chức năng. Hơn nữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, bãi xe có nguy cơ biến thành đống sắt vụn gây lãng phí lớn”.
Theo bạn đọc Hải Phong, quy định mới về mức xử phạt vi phạm giao thông cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Trường hợp người đi xe máy trị giá 5 triệu đồng, nếu bị CSGT thổi nồng độ và bị xử phạt số tiền cao hơn giá trị phương tiện, thì họ sẵn sàng bỏ luôn chiếc xe. Lúc này, lực lượng chức năng còn mất thêm chi phí trông giữ phương tiện để chờ chủ xe đến nhận.
Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của đề xuất không tạm giữ phương tiện. Bạn đọc Ngô Mai Lan chia sẻ, nếu lỗi vi phạm có mức xử phạt ngang ngửa hoặc cao hơn giá trị xe, thì chủ phương tiện có thể tìm mua biển số giả gắn vào để tiếp tục lưu thông. Trường hợp bị CSGT bắt thêm lần nữa thì chấp nhận bỏ xe, bởi tiền đóng phạt còn nhiều hơn giá trị phương tiện.
Bạn đọc Tuyết Anh tỏ ra lo ngại: “Việc tạm giữ biển số hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe có thể tạo cơ hội cho các đối tượng làm giả giấy tờ và biển số có đất sống. Hiện nay, thông tin quảng cáo làm bằng lái xe giả xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, còn biển số giả không khó để đặt mua trong vòng 30 phút”.
Còn bạn đọc Trần Nam Trung lo lắng nói, trường hợp xe vi phạm chỉ bị tạm giữ biển số, phương tiện được “thả” thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi thay vì nộp phạt với số tiền cao hơn giá trị xe, chủ phương tiện có thể mang bán xe vi phạm để thu lại vài triệu đồng. Chẳng may đối tượng mua xe không biển số, không giấy tờ đi gây án thì hậu quả khôn lường.
“Cơ quan chức năng có thể quy định rõ những loại xe nào bị tạm giữ biển số hoặc bắt buộc phải tạm giữ, nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện vứt bỏ hoặc mang xe đi bán. Đặc biệt, rút ngắn thời gian lưu giữ phương tiện, tránh hỏng hóc để thanh lý xe được giá tốt nhất” bạn đọc Tuấn Mạnh đề nghị.
Theo Laodong.