Để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có đủ tài, đức, trong hơn một năm qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã tiến hành những cuộc “sát hạch” chặt chẽ, theo đúng quy trình, quy định của Đảng đối với hàng trăm những “hạt giống đỏ”- những người đã được phê duyệt vào quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, quy hoạch chức danh cấp trưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội, bí thư các tỉnh ủy nhiệm kỳ tới…
Quy hoạch hơn 180 “hạt giống đỏ”
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Do đó, công tác cán bộ luôn được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Thực tiễn công tác cán bộ trong những nhiệm kỳ qua cho thấy, dù đã có nhiều cố gắng, song vì nhiều lý do khác nhau nên đôi khi vẫn để “lọt” một vài nhân sự có biểu suy thoái về đạo đức tư tưởng, tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp luật vào trung ương. Điều này không chỉ làm suy giảm niềm tin của người dân đối với công tác cán bộ của Đảng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay đã có hơn 70 cán bộ cao cấp bị kỷ luật, trong đó có những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương. Thậm chí có nhiều người trong số này, một thời từng được coi là “hạt giống đỏ” sáng giá, được “chọn mặt gửi vàng” vào các vị trí quan trọng trong bộ máy.
Từ những bài học đau xót trên, trong nhiệm kỳ XII, các cơ quan của Đảng đã tập trung sửa đổi các quy trình, quy định về công tác quy hoạch, giới thiệu và bổ nhiệm cán bộ theo quy trình 5 bước chặt chẽ, dân chủ. Đảng cũng chú trọng xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11 về giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026. Sau khi có Kế hoạch của Bộ Chính trị, các cơ quan chức năng đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng quy hoạch, làm từng bước từ dưới lên trên theo quy trình chặt chẽ, đúng quy định của Đảng. Ba độ tuổi được quy hoạch vào diện cán bộ cấp chiến lược là dưới 55, dưới 50 và dưới 45.
Trên cơ sở danh sách gần 250 nhân sự được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, các cơ quan của Đảng và Nhà nước phối hợp rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 trường hợp. Tại hội nghị lần thứ 9, Trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đến tháng 6/2019, Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 gồm hơn 180 người. Trong đó, đa phần là thuộc thế hệ 7X, và nhiều người trong số đó đang giữ các chức vụ như Phó các ban đảng, thứ trưởng bộ, ngành và phó bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố…
Đề cập đến nội dung này, tại Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch. Nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch. Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Dùi mài kinh sử, nâng cao kiến thức
Trên cơ sở chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các Lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII của Đảng. Việc bồi dưỡng này được chia làm 2 giai đoạn, trong đó đợt 1 gồm 95 cán bộ và đợt 2 là 86 người. Các học viên của những lớp học trên sẽ phải trải qua 2,5 tháng “dùi mài kinh sử” cả ở trên lớp và trên “thực địa”. Nội dung chương trình học là những vấn đề về nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng; kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; về kỹ năng lãnh đạo và quản lý…
Tham gia giảng dạy, cung cấp kiến thức mới cho những “hạt giống đỏ” không chỉ có chuyên gia trong và ngoài nước mà còn có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các bộ trưởng, ủy viên Trung ương Đảng. Đây cũng là cách thức nhằm rèn luyện, bồi dưỡng thêm cho lực lượng kế cận về đạo đức, tác phong, trách nhiệm công vụ của người cán bộ lãnh đạo cao cấp, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Trong phát biểu khai mạc các lớp học trên, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm tới lớp học quan trọng này. Các học viên tham gia lớp học này được rà soát, lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, thể hiện sự tin cậy, gửi gắm của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Càng vinh dự bao nhiêu các học viên lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm của mình”.
Không chỉ “dùi mài kinh sử” trên lớp, bị “điểm danh” nghiêm túc, các học viên thuộc quy hoạch cấp chiến lược còn có các hoạt động đi khảo sát thực tế tại địa phương và ở nước ngoài, để các nghiên cứu, tìm hiểu thêm một số kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Kết thúc khóa học đợt 1, gồm 95 người có 100% đạt loại giỏi, xuất sắc. Trong đó có 15 học viên đạt điểm xuất sắc – từ 9 điểm trở lên (đạt 16%); 20 học viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV vừa qua, toàn bộ học viên của lớp bồi dưỡng thứ hai đã trải nghiệm thực tế tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV. Trao đổi với Phóng Viên sau khi thực tế phiên chất vấn tại Quốc hội, nhiều học viên cho rằng, họ tiếp thu được những kinh nghiệm hết sức quý báu, qua đó không ngừng trang bị thêm kiến thức, kỹ năng để có đủ năng lực gánh vác nhiệm vụ nếu được “tín nhiệm” bầu vào Trung ương khóa mới.