Chuyện quản lý nhà công vụ tưởng đã cũ, bởi trong một thập kỷ qua đã rất nhiều lần “nóng” đến nghị trường Quốc hội, sôi sục ngoài dư luận, vậy mà nay Bộ Xây dựng vẫn phải ký văn bản “đòi nhà” với 12 cựu quan chức.
Mà đây không phải “đòi” lần đầu tiên, đã gửi văn bản 2-3 lần rồi nhưng họ vẫn chưa trả, nên cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà công vụ lại phải… tiếp tục “đòi”.
Đã từng có chuyện một cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội rời nhiệm sở nhận sổ hưu nhưng lại chưa muốn rời ngôi biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, sau đó lại muốn mua luôn. Lình xình mãi một thời gian TP Hà Nội mới nhận bàn giao lại ngôi biệt thự.
Một cựu tổng Thanh tra Chính phủ mãn nhiệm, rời thủ đô về quê ở Bến Tre, nhưng cũng tận 3 năm sau mới chịu trả lại nhà công vụ ở Hà Nội. Một cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc hưu trí, với lý do hoàn cảnh gia đình, cũng xin ở thêm và muốn mua lại nhà công vụ…
Vì sao những người sau vẫn đi vào “vết xe đổ”, không chịu “soi gương”? Là do hoàn cảnh gia đình những người này khó khăn? Do lòng tham vật chất? Hay do chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa thỏa đáng? Cho dù được biện minh với lý do nào thì cũng rất khó thuyết phục.
Thật ra số cán bộ “chây ì” trả nhà công vụ không phải là nhiều. Phần lớn cán bộ thuộc diện được ở nhà công vụ đều trả lại một thời gian ngắn sau khi “treo ấn, từ quan”.
Nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã lập tức chuyển nhà chỉ ít ngày sau khi ông không còn đương chức. Ông nghị Lê Như Tiến cũng dọn phòng ngay sau khi không còn giữ chức phó chủ nhiệm ủy ban…
Không chỉ là chuyện nhà công vụ, mà cả phòng làm việc, xe công… cũng từng bị lạm dụng. Về hưu rồi nhưng vẫn đến phòng làm việc, vẫn “mượn” xe công đi đó đi đây. Phải chăng một số cựu quan chức mắc bệnh “nhớ ghế”, “nhớ phòng”, vương vấn quyền lực?
Đó là chuyện về phẩm cách con người. Còn chuyện quản lý cũng rất đáng nói. Xin hỏi các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà công vụ: những người chây ì không chịu trả nhà đúng thời hạn, vi phạm các quy định của Nhà nước có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Nếu vi phạm trong thời gian dài, bị nhắc nhở nhiều lần, vậy tại sao không tiến hành cưỡng chế? Những người từng làm cán bộ, công chức, từng giữ cương vị cao trong bộ máy nếu vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm hơn thường dân mới đúng.
Và câu chuyện về nhà công vụ cũng đến lúc nên kết thúc với việc chấm dứt chính sách nhà ở công vụ cho nhiều đối tượng.
Chỉ người giữ chức danh cần được bảo vệ an ninh đặc biệt, người công tác trong lực lượng vũ trang gắn với đơn vị, cán bộ luân chuyển đến địa bàn đặc biệt khó khăn, biên cương, hải đảo… mới cần phải ở nhà công vụ, các đối tượng còn lại nên thực hiện theo cơ chế nhà ở dịch vụ.
Theo Báo Tuổi Trẻ.
https://authentic.com.vn/forum/