Nhầm mã cổ phiếu không chỉ xảy ra với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mà với cả nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới
Mỗi khi hãng ôtô Ford Motor có tin tức lớn, một số nhà đầu tư thường nhầm lẫn khi đổ xô vào cổ phiếu Forward Industries – một công ty nhỏ sản xuất giá kệ cho hệ thống giám sát y tế và thiết bị điện tử khác. Nguyên nhân được cho là cổ phiếu Forward Industries, với vốn hoá chỉ 10 triệu USD, được giao dịch với mã “FORD”, trong khi cổ phiếu của Ford Motor giao dịch với mã “F”, theo CNN.
Đây là một trong nhiều ví dụ về nhầm lẫn mã cổ phiếu, có thể khiến các nhà đầu tư tại Mỹ tốn hơn 1 triệu USD phí giao dịch mỗi năm, theo hai chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu về hệ quả khi nhà đầu tư mua nhầm cổ phiếu. Những chi phí này cao hơn đối với các nhà đầu tư trung bình đang cố gắng tiết kiệm tiền để nghỉ hưu hoặc vì các mục tiêu dài hạn khác.
“Hầu hết các nhà đầu tư không phát hiện ra giao dịch nhầm lẫn trong một tuần hoặc hơn”, Andrei Nikiforov, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Rutgers University-Camden, cho biết. “Đây là thời gian để cổ phiếu đó trở lại mức giá bình thường, có lẽ cũng là khi nhà đầu tư nhận ra sai lầm của mình”.
Trong bài nghiên cứu về chủ đề này cùng đồng nghiệp Vadim Balashov, Nikiforov phát hiện rằng một số nhà đầu tư thậm chí không bán cổ phiếu mà họ đã mua nhầm. Thay vào đó, họ biện minh rằng đây là một khoản đầu tư tốt.
Một trường hợp khác thường khiến các nhà đầu tư nhầm lẫn là HP. Khi 2 công ty công nghệ thuộc Hewlett Packard trước đây xuất hiện trên bản tin, giá cổ phiếu của công ty dịch vụ dầu mỏ Helmerich & Payne – giao dịch với mã “HP” – thường biến động theo. Trong khi đó, cổ phiếu của hãng máy tính HP giao dịch với mã “HPQ”, còn Hewlett Packard Enterprises dùng mã “HPE”.
Cổ phiếu của công ty mẹ Snapchat – Snap (SNAP) và công ty phát triển công cụ Snap-on (SNA) cũng thường bị nhầm lẫn với nhau. Còn cổ phiếu của công ty dịch vụ cuộc họp trực tuyến mới niêm yết Zoom Video (ZM) cũng hay bị nhầm với cổ phiếu của công ty mạng không dây Trung Quốc Zoom Technologies (ZOOM). Nhiều nhà đầu tư cũng nhầm lẫn cổ phiếu của nhà sản xuất iPhone – Apple (AAPL) với cổ phiếu Apple Hospitality REIT (APLE) – một hãng bất động sản.
Một trường hợp hi hữu xảy ra vào năm 2013 khi cổ phiếu của hãng bán lẻ điện tử phá sản Tweeter Home Entertainment tăng vọt gần 1.000% sau khi mạng xã hội Twitter nộp đơn niêm yết. Nguyên nhân là mã cổ phiếu của Tweeter là “TWTRQ”, còn Twitter đăng ký giao dịch với mã “TWTR.”
Nghiên cứu của Nikorov và Balashov chỉ ra rằng việc nhầm lẫn mã cổ phiếu không chỉ xảy ra với các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mà cũng xảy ra với nhiều nhà đầu tư tổ chức.
“Điều ngạc nhiên nhất là có sự tăng đáng kể trong dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức vào các giao dịch nhầm lẫn”, Nikorov nói. Ông cho rằng việc áp dụng ngày càng nhiều các thuật toán giao dịch có thể là nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư bị nhầm lẫn.
“Máy tính sẽ tiến hành quét và tìm các cổ phiếu đang nóng. Vì vậy nếu có một động thái không giải thích được, các thuật toán sẽ chẳng tìm hiểu lý do mà chỉ nhảy vào mua”, Nikorov giải thích.
Vậy, nhà đầu tư phải làm gì để tránh kiểu nhầm lẫn này? Cách tốt nhất là phải tự tìm hiểu để đảm bảo mua đúng cổ phiếu mình muốn mua.
Tuy nhiên, Nikorov cho rằng Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và các sở giao dịch nên có các cảnh báo với nhà đầu tư về những cổ phiếu có mã gần giống nhau. Đặc biệt là khi ông và Balashov phát hiện rằng hơn 55% các cổ phiếu niêm yết tại Mỹ có một phần tên hoặc mã giao dịch giống với một hoặc nhiều công ty khác.
Theo Vneconomy