Trong vòng 5 năm qua, các nước tại châu Á đã tích cực thúc đẩy phát triển loại hình dịch vụ này, điển hình như Singapore, Indonesia, Hàn Quốc hay Thái Lan…
Ngày nay, công nghệ hiện đại giúp các công ty công nghệ tài chính (Fintech) kết nối trực tiếp người vay với người cho vay, cung cấp giải pháp cho vay thay thế ngay cả khi họ không có lịch sử tín dụng. Một trong những khoản cho vay như vậy trong ngành công nghiệp fintech là cho vay ngang hàng (P2P), cho phép các nhà đầu tư có được các khoản vay trực tiếp từ người cho vay mà không cần qua các trung gian tài chính như ngân hàng.
Robocash Group, một công ty Fintech, đã sử dụng số liệu thống kê về Google Trends và Google AdWords cho việc tìm kiếm liên quan đến “p2p lending”, “peer to peer lending”, “peer to peer loans”, “p2p loans”, “p2p investing”… tại 20 quốc gia/vùng lãnh thổ hàng đầu thế giới. Trên Google Trends, các tìm kiếm được tính điểm từ 0 đến 100, càng nhiều điểm, tỷ lệ tìm kiếm có liên quan càng cao. Nghiên cứu của Robocash Group cho thấy mức độ phổ biến của cho vay ngang hàng tại Châu Á đã tăng lên vượt bậc so với một số nền kinh tế lớn ở châu Âu. Trong vòng 5 năm qua, các nước/vùng lãnh thổ tại châu Á đã tích cực thúc đẩy phát triển loại hình dịch vụ này, điển hình như Singapore (SG), Indonesia (ID), Hàn Quốc (KR) hay Thái Lan (TH)…
Robocash dẫn số liệu từ Statista cho thấy dư nợ thị trường cho vay P2P toàn cầu đã tăng từ 9 tỷ USD năm 2014 lên 54 tỷ USD vào năm 2018 và sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn nữa trong vài năm tới.
Robocash nhấn mạnh rằng: “Tham vọng đẩy mạnh số hóa và cung cấp dịch vụ tài chính tốt hơn cho người dân, ngay cả ở những vùng xa xôi nhất, đã thúc đẩy đáng kể sự năng động ở châu Á. Thống kê cho thấy sự phát triển của các giải pháp trong công nghệ tài chính và tài chính thay thế, bao gồm cả dịch vụ cho vay ngang hàng, là một phần thiết yếu của chiến lược này.”
Và mặc dù có sự phổ biến đáng kể của các công ty đến từ Trung Quốc (chiếm tới 700 trong tổng số 920 công ty dịch vụ tài chính ở Châu Á) song Singapore vẫn duy trì vị trí dẫn đầu theo tần suất tìm kiếm liên quan đến cho vay P2P.
Trong vòng 5 năm qua, người dân Singapore đã thể hiện mối quan tâm lớn nhất đối với các dịch vụ và sản phẩm cho vay P2P. Trong năm 2017, thị trường nơi đây đạt 83,8 triệu USD, bao gồm 58,4% thị phần ở Đông Nam Á. Trung Quốc đã mất vị trí dẫn đầu về nhu cầu cho vay P2P do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này và những quy định tăng cường quản lý của Chính phủ.
Báo cáo của Robocash cho biết thêm rằng, sự tăng trưởng đáng kể của thị trường châu Á gần đây đã tạo điều kiện cho dịch vụ cho vay P2P ở Malaysia và Indonesia phát triển mạnh, vượt qua cả Vương quốc Anh, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.
Theo Tài chính Plus.