27 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Tám 14, 2024
Home Văn hóa & Xã hội Gần dân chưa đủ,phải hiểu Dân & giải quyết những bức xúc...

Gần dân chưa đủ,phải hiểu Dân & giải quyết những bức xúc cuả Dân.

So với thời còn làm Chủ tịch Nước, có cảm giác như ông Sáu Phong trẻ ra, khỏe hơn. Lưng rất thẳng, nụ cười tươi, cái áo sơ mi cộc tay và chiếc mũ tai bèo sáng màu. Khi chúng tôi tới, ông vừa đi thăm vườn về.

Ông bắt tay chúng tôi và nói: “Lẽ ra hôm nay tôi ra Hà Nội có việc, nhưng do hẹn mấy ông, nên tôi ở lại”. Trong căn nhà xây rất đơn giản, nằm giữa khu vườn xanh mướt cây lá, ông mặc bộ đồ màu xám nhạt, say sưa nói chuyện với chúng tôi hết chuyện này sang chuyện khác: Từ thuở ông còn làm Bí thư tỉnh Sông Bé cách đây hơn 30 năm; rồi về TP.HCM trở thành Bí thư Thành uỷ, ra Hà Nội làm Trưởng Ban Dân vận, rồi nhận trọng trách Chủ tịch Nước… Nhưng say sưa nhất vẫn là chuyện khu vườn. Ông kể: “Năm 2009, trước khi nghỉ hưu, tôi đã bàn với bà nhà tôi, khu đất ba mẹ tôi để lại đây, mình về làm cái nhà thờ, trồng ít cây ăn trái. Bà nhà tôi đồng ý, thế là tôi cho trồng cây luôn… Đất lúc đó chỉ có 3.000 m2, thấy hơi hẹp, tôi mua thêm đất xung quanh, mở rộng khu vườn lên gần một héc-ta. Lúc đầu, dự định chỉ làm khu vườn để cuối tuần cùng con cháu về chơi thôi. Nhưng sau đó, thấy ở thành phố suốt ngày chỉ trong bốn bức tường, bức bí quá, tôi bèn thuyết phục bà nhà tôi về quê . Khi đó cũng đắn đo lắm, vì thay đổi hẳn cả môi trường, nếp sống mấy chục năm. Nhưng cuối cùng, vợ chồng tôi vẫn quyết định về…”.

Hai năm sau (năm 2011), ông chính thức nghỉ hưu. Vợ chồng ông thu vén dời nhà luôn từ TP.HCM về khu vườn toạ lạc kề sát sông Sài Gòn, ở xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương sinh sống. Khu vườn này cách TP.HCM hơn 50 cây số…

Suốt buổi trưa, ông dẫn chúng tôi đi khắp khu vườn nhà. Cả khu vườn có khoảng 20 loại cây trái: Bưởi, ổi, dừa, hồng xiêm, mãng cầu… giữa trưa mà rợp bóng mát. Ông mời chúng tôi ăn mít Thái và đu đủ vườn nhà ngọt lịm. Ông nói: “Tôi trồng toàn cây ăn trái, không kinh doanh, mà chủ yếu là để đãi khách. Có khi khách ăn xong còn xin mang về. Lúc cao điểm trái chín dồn, ăn không hết, như vậy là sướng rồi”.

“Mỗi ngày, tôi dành khoảng 2 tiếng đồng hồ lên mạng đọc báo, nghiên cứu đủ thứ… Khi bắt tay vào gây dựng khu vườn, tôi có nhờ ông Châu ở Viện nghiên cứu cây ăn trái ở Tiền Giang lên tư vấn giúp. Sau này, thấy ông Châu ở xa quá, chẳng lẽ chuyện gì cũng nhờ vả, tội nghiệp ổng. Nên tôi lên mạng nhờ “ông Gu-gồ” tư vấn”… Cứ ngày ngày tìm hiểu, đến nay ông có cả “kho” kiến thức về trồng cây theo tiêu chuẩn VietGap… Chưa hết, ông còn hồ hởi khoe: “Lát nữa, tôi sẽ dẫn các bạn đi thăm nhà yến. Tôi cất cái nhà nuôi chim yến này là để khi về vườn, mình có thêm thu nhập, có đồng ra, đồng vô. Chứ nói thật, đồng lương của Chủ tịch Nước khi về hưu, không phải nói ít, nói nhiều nhưng không đủ đâu…”.

Đồng lương hưu nguyên Chủ tịch Nước của chú Sáu được bao nhiêu ?

(Cười hóm hỉnh): Chưa đầy 13 triệu đồng mỗi tháng. Lương tôi với lương của bà nhà, cộng lại khoảng 20 triệu. Nếu chỉ để ăn, mặc, chi tiêu của hai vợ chồng già thì cũng đủ. Nhưng thực tế có đủ thứ chuyện, nào là đám cưới, đám hiếu, nào là giao tiếp chỗ này chỗ nọ, đi đây đi đó… Có khi sinh nhật con cháu, muốn mua sắm cho nó cái gì, mình không có tiền. Nên tôi mới nghĩ làm cái nhà nuôi chim yến. Giờ mỗi tháng thu nhập từ nhà yến cũng được vài chục triệu đồng. Thu nhập rất là chân chính. Lúc nào mình thấy mệt mệt, mình lấy cái tổ yến mình ăn, cũng vui… Còn lại để bán.

Ông cho biết: “Gần đây, tôi còn làm điện mặt trời, dựng một dàn pin mặt trời ở khoảnh đất kế bên sông đó. Từ khi làm cái điện mặt trời, mỗi ngày tôi bán điện mặt trời cho nhà nước cũng được hơn 100 kWh đó. Nhà tôi thì xài không bao nhiêu điện, nhưng điện dùng cho phun sương chỗ nhà yến, nhu cầu mỗi tháng khoảng 4.000 kWh. Tôi làm cái điện mặt trời cũng cho ra tương đương 4.000 kWh mỗi tháng; có khi cao hơn… Tiền điện trước đây tôi đóng chưa đầy 10 triệu đồng/tháng. Tôi bán tổ yến được 50-60 triệu đồng/tháng. Trừ tiền điện, tôi vẫn còn lại 50 triệu đồng”.

Các con, các cháu có ở đây cùng với vợ chồng chú không?

– Con cháu tôi không ở đây. Chỉ hai vợ chồng tôi ở đây thôi. Chỉ cuối tuần, tụi nó lên chơi, thăm hai ông bà. Nhức đầu, xổ mũi vặt thì lên Bệnh viện thuộc Ban bảo vệ sức khoẻ tỉnh Bình Dương. Lúc đầu trên không cho, nhưng tôi nói đến bệnh viện tỉnh cho tiện, cho gần. Chứ cái gì cũng liên hệ Trung ương, lên bệnh viện Thống Nhất xa quá. Sau, Trung ương cũng đồng ý, cho khám chữa bệnh ở bệnh viện tỉnh. Còn gặp chuyện quan trọng tôi về khám bệnh viện Thống Nhất ở TP.HCM. Thí dụ khám bệnh định kỳ 6 tháng/lần thì về bệnh viện Thống Nhất. Vậy cũng được rồi!

Vợ chồng chú thỉnh thoảng có đi du lịch đây đó không?

– Trước đây có đi nhiều; giờ thì hết đi rồi. Chỗ tôi sống ở đây có sông nước, vườn tược để vui thú điền viên là mãn nguyện rồi, cần gì du lịch. Trước đây, thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng có đi suối nước nóng Bình Châu, hay tắm biển Vũng Tàu, rủ cháu nội, cháu ngoại đi cùng. Nhưng bây giờ, tụi nó lớn, cháu ngoại vào đại học năm thứ 2, cháu nội cũng lớn rồi, tụi nó không có nhu cầu đi du lịch với hai ông bà già nữa nên vợ chồng tôi cũng không đi, ở đây là chính.

Ông nói: “Từ ngày về nghỉ hưu, làm vườn, tôi trở lại đời sống của một người bình thường và có dịp gần dân hơn. Trước đây, do đặc thù công tác mình ở xa, ít gần gũi người dân. Còn bây giờ, gần gũi hàng ngày”.

Rất tâm đắc với 2 chữ “gần dân” mà chú vừa mới nói. Vậy theo chú, làm gì để cán bộ, chính quyền “gần dân” ngày càng sâu sắc hơn?

– Ông bộc bạch: “ Gần dân, thân thiết với dân là tốt. Nhưng gần dân không thì chưa đủ. Gần dân mà mình có chịu hiểu dân không ? Gần mà không hiểu thì gần làm gì? Lâu nay, cán bộ ta vẫn có một bộ phận xa dân lắm. Bây giờ, cần nhắc lại bài học “gần dân”. Gần dân, trước hết phải chịu hiểu dân, mà hiểu rồi, còn phải hành động nữa. Như vậy cán bộ mới có trách nhiệm. Chứ hiểu rồi để đó là không được… Bây giờ về đây, tôi mới thấy cái thủ tục hành chính của mình rườm rà quá. Thỉnh thoảng có vài chuyện dính dấp tới hành chính cơ sở, tình cờ thôi nhưng tôi không hiểu được. Cái chuyện nó đơn giản thế, mà giải quyết sao khó thế ? Anh là cán bộ, anh phải hiểu dân chứ. Dân thì đang vướng cái đó, đang gặp khó khăn cái đó, mà anh không tham gia, không giải quyết, anh làm lơ, thậm chí còn làm khó thêm nữa. Kỳ thiệt!”.

Một ngày của chú hiện nay diễn ra như thế nào?

– Một ngày của tôi… bình thường thôi. Sớm mai, tôi ăn sáng ngay tại nhà. Sau đó, tôi ra làm vườn một lúc, cho nó có đi bộ, có chút mồ hôi… Sau đó, tôi về nhà đọc sách, đọc tài liệu.

Chú đọc báo giấy, hay báo mạng ?

– Tôi được gửi biếu gần chục tờ báo giấy đấy. Nhưng tôi đọc báo mạng nhiều hơn. Tôi thường dậy rất sớm, 2 – 3 giờ tôi đã thức dậy rồi và lên mạng đọc. Cái vui nhất của tôi là mặc dù về quê ở, làm vườn, xa thành thị, nhưng mà tôi thường xuyên có anh em, bè bạn xa gần lặn lội tận nơi ghé thăm tôi. Ngày nào tôi cùng có khách. Có ngày 2 ca, thậm chí có ngày 3 ca. Có người sáng sớm đã có mặt ở đây ăn sáng với tôi. Cùng nhau uống ly rượu, ăn tô phở, cái hột vịt lộn… Trưa thì tiếp khách đàng hoàng hơn, hay chiều, cũng đàng hoàng hơn. Anh em đến với tôi có đủ trong Nam ngoài Bắc.

Khách quốc tế có hay đến thăm chú không?

– Có nhiều, nhưng tôi không tiếp hết, vì điều kiện ở quê, mình không thể tiếp họ cho chu đáo được. Nội bộ mình ăn cơm thì dễ, bắt con gà con qué đãi khách cũng được. Nhưng tiếp mấy ông quốc tế, cũng phải đàng hoàng một chút chứ. Hơn nữa, thời gian của mình, sức khoẻ của mình không đủ, mình chỉ dành phần lớn cho anh em trong nước, trong nhà mình thôi. Đại sứ Nga, một năm 2 lần tới thăm tôi. Có những ông đại sứ đã về hưu cũng lên thăm tôi… Tôi có “quy chế” lên đây là phải ăn cơm, chứ không thể thăm rồi về. Riêng bạn Lào, cả đang đương chức lẫn đã về hưu, thì thường xuyên ghé thăm tôi. Các ông nguyên Thủ tướng, nguyên Chủ tịch Nước đều về đây. Rồi vợ ông Cay – xỏn Phom – vi –hản, ngày trước công tác thanh niên chung với tôi, cũng hay ghé thăm tôi. Bà nói tiếng Việt rất tốt. Hàng năm, các bạn Lào thường qua TP.HCM khám bệnh. Họ báo trước, khám bệnh xong là lên đây ăn cơm với tôi, nói chuyện cùng nhau thiệt vui.

Được biết ở miền Nam có nhiều vị lãnh đạo khi nghỉ hưu đều về quê sinh sống, vui thú ruộng vườn. Như chú Sáu Phong, chú Sáu Khải (Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ), ông Hai Nghĩa (Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ). Vì sao các chú có một điểm chung như thế?

– Năm trước, trước khi anh Sáu Khải mất gần 3 tháng, tôi có tổ chức sinh nhật cho anh Sáu Khải và anh Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng Bí thư), ngay tại khu vườn này, trong nhà tôi. Không ngờ, đó là lần tổ chức sinh nhật cuối cùng, trước khi anh ấy đi xa. Sau đó, tôi có viết một bài báo nhắc rằng, nhà anh cách nhà tôi một con sông. Bên kia sông là huyện Củ Chi, có nhà anh Sáu Khải, còn bên này sông là Bến Cát, Bình Dương là nhà tôi. Mỗi lần qua lại thăm nhau, chỉ mất nửa tiếng thôi. Mấy năm trước, tôi và ảnh đi qua đi lại thăm hỏi nhau thường xuyên. Ảnh qua vườn thấy tôi trồng mít Thái ăn ngon quá, hỏi xin giống. Tôi bèn qua thăm, mua giống gửi biếu cho anh Sáu Khải trồng. “Điểm chung” của chúng tôi khi về hưu đều quay về với ruộng vườn theo tôi có lẽ là ở chỗ: Mấy ông lãnh đạo người miền Nam đa phần xuất thân từ nông dân mà ra. Ông Sáu Khải và tôi đều từ nông dân lội sông lội ruộng… Sau này chúng tôi mới đi học đại học. Nhưng cái gốc vẫn là từ nông dân. Ông Hai Nghĩa cũng vậy thôi. Lý do thứ hai là đất đai ở miền Nam còn rộng rãi, nên về quê còn có đất làm vườn. Chứ đất đai ở miền Bắc hạn chế, có về kiếm đất cũng khó hơn miền Nam. Còn lý do thứ ba nữa là do đặc điểm của người Nam bộ. Hết việc rồi thì ta về vui với ruộng đồng. Đơn giản vậy thôi!

Vợ chồng ông Sáu Phong mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa. Bà Sáu trước làm bên phụ nữ, nay cũng đã nghỉ hưu. Bà là người phụ nữ Nam bộ điển hình, hiền lành, nhẹ nhàng. Thời ông làm Chủ tịch Nước, bà không ra HN mà vẫn ở lại trong Nam. Đến khi ông đi công cán quốc tế hoặc tiếp khách, theo đúng nghi thức ngoại giao, bà bắt buộc phải đi cùng. Nhưng bà tâm sự chỉ cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong khung cảnh gia đình, thôn dã. Vì thế bây giờ hai ông bà cảm thấy “tuyệt vời” khi được dành thời gian trọn cho nhau nơi mảnh vườn thân thuộc. Bữa trưa tại nhà nguyên Chủ tịch Nước thật giản dị: cá kho, thịt heo kho trứng, khổ qua nhồi thịt, canh chua cá lóc… Tráng miệng cũng toàn cây nhà lá vườn: dưa hấu, mít, ổi… Ông Sáu luôn tay gắp thức ăn cho mọi người, nói cười vui vẻ cùng phóng viên Báo NTNN và mấy anh em cần vụ. Ông ăn hết hai chén cơm, uống ba li rượu. Gió vườn thổi từ sông vào mát rượi…

Theo DanViet.

Đề nghị triệu tập Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tới phiên xử Vũ ‘nhôm’

Đại gia & Chân Dài mối liên hệ câu Chuyện Tình- Tiền

 

Tin nổi bật

Ái nữ nhà tỷ phú Trần Bá Dương: Quý cô độc thân hấp dẫn của làng thời trang, cuộc sống tuổi 30 ngập tràn...

Bên cạnh với việc được nhiều người biết đến là con gái của tỷ phú ô tô Trần Bá Dương, Trần Viên Ngọc Trân...

BMW ra mắt phiên bản đặc biệt X2 Edition M Mesh

BMW X2 Edition M Mesh sử dụng màu ngoại thất độc đáo. Có lẽ X2 là một trong những mẫu xe sở hữu thiết kế...

Lexus ra mắt phiên bản UX Black Line 2021, chỉ sản xuất 1.000 chiếc

Phiên bản đặc biệt Lexus UX Black Line 2021 tạo điểm khác biệt với thiết kế nội/ngoại thất được nâng cấp. Được phát triển từ...

Polestar Precept sẵn sàng cạnh tranh với Tesla Model S

Mẫu sedan 4 cửa của Polestar sẽ cạnh tranh với các đối thủ như Tesla Model S và Porsche Taycan. Ra mắt trực tuyến vào...