Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra số 2008 về việc thanh tra toàn diện các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Công ty Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội. Đại diện Công ty Lã Vọng cho rằng, sau khi có kết luận này đã có những thông tin ngoài luồng không đúng và có thông cáo gửi các cơ quan báo chí.
TP HCM tổ chức đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm để rút kinh nghiệm
Lã Vọng có thâu tóm đất vàng?
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, liên quan tới dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi, giải trí bán đảo hồ Đống Đa, Công ty Lã Vọng cho rằng công ty chỉ là đơn vị thuê lại mặt bằng kinh doanh và đã chấm dứt Hợp đồng thuê từ năm 2016, không còn bất kỳ liên quan nào đến dự án nêu trên.
“Một số thông tin cho rằng, Công ty Lã Vọng “thâu tóm” đất vàng là không đúng, vì chủ đầu tư của dự án đến nay vẫn là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hà Thủy và việc này đã được xác nhận tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ”, thông cáo báo chí phát ngày 20.1 nêu rõ.
Về dự án cải tạo môi trường hồ Đầu Băng (quận Long Biên), Công ty Lã Vọng khẳng định việc tài trợ 30 tỉ đồng cho dự án này hoàn toàn bằng nguồn vốn doanh nghiệp, không phải sử dụng vốn ngân sách nhà nước như đồn đoán.
Trước thông tin Lã Vọng được “ưu ái” giao thêm 1 ha đất tại Dự án Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), doanh nghiệp này khẳng định, chỉ tài trợ kinh phí làm đường có diện tích 0,67 ha kết nối giao thông dân cư hiện hữu trong khu quy hoạch được phê duyệt. Sau khi hoàn thành con đường đã bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội.
Việc Lã Vọng bị đề nghị truy thu hơn 100 tỉ đồng tại Dự án cải tạo xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình (quận Long Biên) theo hình thức BT, doanh nghiệp này cho hay: Để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng cho nhà nước trong việc thực hiện dự án, Lã Vọng đề xuất việc thực hiện điều chỉnh dự án theo hướng không phải di dời giải phóng mặt bằng các hộ dân.
Sau khi thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất nêu trên và dự án được điều chỉnh, doanh nghiệp sẽ nộp khoản tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước. “Điều này là hoàn toàn bình thường và đúng quy định của pháp luật”, Công ty Lã Vọng cho biết.
Chỉ định thầu thời điểm cả nước đều làm vậy?
Về một số thông tin chỉ định nhà đầu tư đối với Lã Vọng, trong đó có Dự án cải tạo xây dựng hệ thống cống nối hồ Vục – hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, Công ty Lã Vọng cho hay, dự án này được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại thông báo số 88 ngày 25.3.2010 của Văn phòng Chính phủ theo hình thức chỉ định nhà đầu tư nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long và được Thanh tra Chính phủ kết luận. Và thời điểm này có nhiều dự án được áp dụng hình thức tương tự.
Dự án Khu đô thị Ngôi nhà mới tại thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai, Hà Nội), Công ty Lã Vọng cho biết, tại thời điểm năm 2006-2008, cả nước cũng như tỉnh Hà Tây cũ đều áp dụng quy định của Nghị định 02/2006 của Chính phủ về ban hành quy chế khu đô thị mới để thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chỉ định nhà đầu tư thông qua thẩm định dự án. Công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới đã đề xuất dự án, UBND tỉnh Hà Tây đã thẩm định dự án và giao cho công ty thực hiện theo quy định.
“Như vậy, tại thời điểm đó, cả nước đều áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo định định của Nghị định 02/2006/NĐ-CP”, thông cáo nêu.
Về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo hình thức BT, Công ty Lã Vọng cho biết, tuyến đường này đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, UBND thành phố Hà Nội kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức như BOT, vốn ODA nhưng không hiệu quả nên đã quyết định thực hiện dự án theo hình thức BT.
“Thực tế thời điểm đó có rất nhiều dự án thực hiện theo hình thức BT. Quỹ đất thanh toán đa số là không có nên hầu hết các nhà đầu tư đều tự tìm kiếm và đề xuất. Hiện tại dự án này chưa được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất vẫn do UBND thành phố quản lý, sử dụng”, Công ty Lã Vọng khẳng định.
Theo Laodong.