Theo Bloomberg, sự bất ổn trong chính sách thương mại và thói quen đăng Twitter của Trump có thể khiến GDP toàn cầu bốc hơi gần 600 tỷ USD.
Những đòn thuế Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc bị chỉ trích rất nhiều vì kéo tụt tăng trưởng toàn cầu. Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, sự bất ổn trong chính sách thương mại và thói quen đăng thông báo trên mạng xã hội của ông Trump còn gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Theo nghiên cứu mới nhất của Bloomberg Economics, bất ổn về thương mại có thể khiến GDP toàn cầu mất khoảng 0,6% năm 2021, so với kịch bản không có chiến tranh thương mại. Con số này lớn gấp đôi tác động trực tiếp từ thuế nhập khẩu, và tương đương 585 tỷ USD, theo GDP ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho năm 2021 là 97.000 tỷ USD.
Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn hơn từ sự bất ổn này. GDP của họ có thể mất 1%. Con số này của Mỹ là 0,6%. “Các dòng tweet thậm chí còn ảnh hưởng hơn thuế nhập khẩu”, báo cáo nhận định.
Tổng thống Mỹ nổi tiếng với tần suất sử dụng mạng xã hội. Ông sử dụng công cụ này để đăng rất nhiều thông báo về thương mại, đặc biệt là với Trung Quốc. Có thời điểm, Trump đăng tới vài lần một ngày. Những thông tin mâu thuẫn ông đưa lên về quá trình đàm phán với Bắc Kinh khiến các doanh nghiệp e dè với quyết định kinh doanh và tuyển dụng.
Tuần trước, một khảo sát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại New York cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp đổ lỗi cho thuế nhập khẩu khiến lợi nhuận của họ đi xuống. Đến nay, sau hơn một năm căng thẳng Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Hồi đầu tháng, ông Trump tuyên bố tiếp tục áp 10% thuế nhập khẩu lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nữa từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9.
Để đối phó các thách thức kinh tế, tháng trước, Fed đã hạ lãi suất 0,25%. Dù vậy, báo cáo của Bloomberg Economics cho biết các chính sách tiền tệ có thể giảm thiểu cú sốc từ sự bất ổn, nhưng không thể ngăn chặn toàn bộ thiệt hại. Nếu các ngân hàng trung ương đều có động thái phản ứng khi nhu cầu đi xuống, GDP toàn cầu sẽ giảm 0,3% năm 2021 so với kịch bản không có chiến tranh thương mại.
Theo Bloomberg