Quy hoạch mạng lưới các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) giai đoạn 2006 – 2016 được Thủ tướng phê duyệt đề cập đến việc di dời các trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu 10ha/trường ĐH. Tuy nhiên, đến nay sau gần 12 năm, mới có một trường được di dời ra khỏi nội đô.
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, là tuyến đường có mặt cắt ngang rộng nhất Hà Nội hiện nay, nhưng vào giờ cao điểm tuyến đường Nguyễn Trãi lại luôn ở trong tình trạng quá tải, mặt đường xuống cấp, tổ chức giao thông lộn xộn. Chỉ dài hơn 1km nhưng đoạn từ Nhà máy thuốc lá Thăng Long đến siêu thị Co.opmart đã phải “cõng” đến 7 trường ĐH lớn (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Hà Nội, Học viện An ninh, Học viện Bưu chính viễn thông…).
Theo tính toán của các chuyên gia giao thông, bình quân mỗi trường ĐH tại đây có khoảng 10.000 sinh viên (ĐH, sau ĐH và các loại hình đào tạo khác). Vào giờ cao điểm, tất cả cùng đổ về cổng trường, tham gia giao thông thì chắc chắn hạ tầng giao thông không thể đáp ứng được.
Tại các tuyến đường khác như Xuân Thủy – Cầu Giấy (ĐH Quốc gia, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, Học viện Báo chí và tuyên truyền…); tuyến đường Tây Sơn – Chùa Bộc (ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn, Học viện ngân hàng…); đường Giải Phóng (ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Bách Khoa…); phố Chùa Láng (ĐH Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam…) cũng chịu cảnh tương tự.
Từ năm 2007, quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và CĐ giai đoạn 2006 – 2016 được Thủ tướng phê duyệt đề cập đến việc di dời các trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu 10ha/trường ĐH. Trong đó, 12 ĐH, CĐ được đề xuất di dời và 11 cơ sở giáo dục ĐH khác được đề xuất cải tạo. Các trường sẽ được bố trí tại các khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250ha), Sóc Sơn (600ha), Sơn Tây (300ha), Hòa Lạc (1.200ha), Phú Xuyên (100ha)…
Đáng lưu ý, năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập rất rõ việc phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường ĐH, CĐ khu vực nội đô, khống chế khoảng 30.000 sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 12 năm triển khai, mới có duy nhất trường ĐH Y tế công cộng di dời ra khỏi nội đô. Mặc dù quỹ đất đã được cấp cho các trường này, trong đó phải kể đến hơn 1.000ha đất ở Hòa Lạc cấp cho trường ĐH Quốc gia Hà Nội sau nhiều năm triển khai mới chỉ lác đác vài hạng mục được xây dựng và chưa thể đưa vào hoạt động giảng dạy như dự kiến.
Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, mặc dù đã có quy hoạch cụ thể nhưng các trường không thực hiện di dời mà tiếp tục tuyển sinh ồ ạt. Điều này dẫn đến việc gia tăng áp lực cho hạ tầng giao thông khi lượng lớn sinh viên di chuyển trong nội thành.
Theo Laodong