Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Vì sao bà Quy bị bắt, ông Phiến được tại ngoại?
Ngày 5/9, cùng bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người” trong vụ bé L.H.L. – học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong, nhưng bà Nguyễn Bích Quy (người dưa đón trẻ) bị tạm giam, còn ông Doãn Quý Phiến (tài xế) được cho tại ngoại. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, theo cơ quan điều tra, việc có cần áp dụng biện pháp ngăn chặn hay không và áp dụng biện pháp ngăn chặn nào đối với từng trường hợp đều đã được các cơ quan tố tụng quận cầu Giấy (Hà Nội) bàn bạc thống nhất, có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Mục đích là để phục vụ tốt nhất cho quá trình điều tra, làm sáng tỏ vụ án.
Với trường hợp bị can Doãn Quý Phiến, lời khai của ông Phiến logic với sự việc xảy ra, vì thế không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam mà chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Nhưng trường hợp bị can Nguyễn Bích Quy, trong quá trình điều tra, có nhiều tình tiết bà Quy nêu ra không có sự logic nên cần áp dụng biện pháp tạm giam để điều tra cặn kẽ, nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án.
Như tin đã đưa, ngày 6/8, cháu L.H.L., học sinh lớp 1 trường Gateway được xe nhà trường đón từ sáng. Nhưng đến chiều, cháu được phát hiện đã tử vong trên xe. Ngay sáng hôm sau, ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an quận Cầu Giấy đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người”.
Người dân kéo đến công ty Rạng Đông sau thông tin 15,2-27,2kg thủy ngân phát tán trong vụ cháy
Sau thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có từ 15,2 đến 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy kho hàng của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, sáng nay (5/9) hàng chục người dân sống xung quanh nhà máy này đã đeo khẩu trang đến trụ sở Công ty Rạng Đông, cách kho bị cháy khoảng vài trăm mét, yêu cầu đối thoại với lãnh đạo công ty. Họ mang theo đơn, thư cầu cứu gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan chức năng.
Theo người dân, hàng trăm hộ dân với hàng ngàn nhân khẩu sống quanh khu vực nhà máy đang phải sống chung với những thứ hóa chất độc hại, hít không khí ô nhiễm và rất ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Hà Nội) đến giờ mới che bạt lên khu vực bị cháy là quá muộn. Lẽ ra ngay sau khi vụ cháy xảy ra, phải che bạt và thực hiện các biện pháp khác ngay để chống hơi thủy ngân, các chất khác, khói bụi… phát tán ra ngoài.
Chiều 5/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì họp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, đại diện Cty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đại diện phường, quận về xử lý vụ cháy nhà xưởng.
Về nguyên nhân, hiện nay cơ quan giám định đang tiếp tục đánh giá, chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên ông Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng phòng PC02, Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Bước đầu phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, mặc dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt, có khả năng bóng đèn chập cháy, rơi xuống bên dưới toàn bộ hộp các tông. Đây mới là bước đầu nhận định, chúng tôi chưa đưa ra nguyên nhân cháy”.
Nguyện vọng của ông Đoàn Ngọc Hải được đáp ứng
UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc cho thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn TNHH MTV đối với ông Đoàn Ngọc Hải.
Quyết định của UBND TP nêu rõ việc cho ông Đoàn Ngọc Hải thôi chức vụ đã được xem xét, căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành và căn cứ theo kết luận của Thường trực Thành ủy về giải quyết “đơn xin từ chức” của ông Hải cũng như ý kiến của Giám đốc Sở Nội vụ TP về vấn đề này.
Liên quan quyết định này, Sở Nội vụ TP đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP về việc cho thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đối với ông Đoàn Ngọc Hải.
Theo đó, Sở Nội vụ dự thảo Quyết định cho thôi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đối với ông Đoàn Ngọc Hải, trình Chủ tịch UBND TP xem xét, quyết định.
Trước đó, ngày 4/6/2019, sau vài giờ nhận quyết định điều động, bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1 liền nộp đơn xin từ chức. Trong đơn, ông Đoàn Ngọc Hải viết: “Tôi nhận thấy mình không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo thì không thể làm tốt được công việc này. Nếu tôi miễn cưỡng nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng; sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc, tài sản của nhân dân nên tôi xin từ chức”.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh tàng trữ cả đồ chơi nguy hiểm bị cấm
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án Phan Văn Anh Vũ – nguyên Thượng tá Tổng cục V Bộ Công an thâu tóm đất đai công sản tại Đà Nẵng. Vụ án có 2 bị can từng giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh (giai đoạn 2006–2011) và Văn Hữu Chiến (giai đoạn 2011–2014).
Trong đó, bị can Trần Văn Minh được xác định có hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây thiệt hại đặc biệt lớn với ngân sách Nhà nước.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng còn thu giữ 5 khẩu súng, 18 viên đạn và 3 giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ tại nhà bị can Trần Văn Minh. Tuy nhiên, Viện khoa học hình sự kết luận số vật chứng này không phải vũ khí quân dụng.
Trong đó có 3 khẩu súng, 18 viên đạn thuộc danh mục công cụ hỗ trợ; 2 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm bị cấm.Ông Trần Văn Minh cũng được CQĐT đánh giá có thái độ khai báo thành khẩn, nhân thân tốt, có nhiều bằng khen; gia đình truyền thống cách mạng… nên đề nghị cơ quan truy tố, xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Phạm Nhật Vũ AVG
Theo kết luận điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ – với vai trò là chủ tịch HĐQT của AVG, là đại diện giao dịch 95% cổ phần của AVG – vì mong muốn bán được cổ phần nên đã đề nghị các ông: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn để dự án được hoàn thành.
Điều đáng chú ý là trong quá trình đàm phán, Phạm Nhật Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền, sau khi hoàn thành việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân, gồm: Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200 nghìn USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500 nghìn USD.
Hành vi của Phạm Nhật Vũ đã phạm vào tội “đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù (hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên).
Theo Cơ quan Công an, trong quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
Bị can Phạm Nhật Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Về lý lịch, gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, bị can có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn… và các hoạt động an sinh xã hội khác.
Do đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ, (đặc biệt được hiểu là khác với thông thường, trong trường hợp này mang ý nghĩa tích cực, có lợi cho bị can)
Theo Danviet